Hướng dẫn nhanh về Tiết đọc Thư viện

Tổ chức tiết đọc thư viện không khó nhưng với những thư viện mà người làm thư viện được điều từ giáo viên qua hoặc chưa được đào tạo chuyên nghiệp về thư viện, chưa có kinh nghiệm thực hiện tiết đọc thư viện nào… là một thách thức. Bài viết này tập hợp vài thứ có thể cần thiết cho thủ thư lần đầu tiên thực hiện tiết đọc thư viện.

Tiết đọc thư viện là gì?

Thuở mới học tiếng Anh, bạn có còn nhớ lúc lớp 6 hoặc lớp 7 có bài về book report? Mặc dù hoạt động đó được diễn ra trong lớp học thay vì ở thư viện, ở các nước tiên tiến nhưng nó sẽ gợi ý cho bạn ý tưởng để có thể học hỏi.

Chúng tôi biết rằng trình độ tiếng Anh của các thủ thư trường học Việt Nam không đủ để đọc những bài “sáng kiến kinh nghiệm” của nước ngoài để có thể áp dụng nên chỉ có thể gợi ý từ khoá cho những thủ thư nào thích mày mò tiếng Anh, cụm từ school book report.

Một tiết đọc thư viện (Ảnh: Room to Read)

Tiết đọc thư viện được sắp xếp theo thời khóa biểu như những môn học khác; triển khai đúng theo thời khóa biểu và có lịch mượn trả sách cho tất cả các khối lớp.

Mục đích chính của tiết đọc thư viện là giúp hình thành và phát triển thói quen đọc sách cho học sinh.

Thực hiện như thế nào?

Tuỳ theo điều kiện của từng trường mà học sinh của lớp có thể kéo nhau xuống thư viện hoặc thủ thư lên lớp. Nhà trường nên có thư viện sạch đẹp, được đầu tư cơ bản để học sinh vào thư viện để dự tiết đọc thư viện thay vì thủ thư lên lớp. Môi trường thư viện tạo hứng thú đọc sách hơn ở lớp, bởi vì tuy là tiết học nhưng nó mang tính vui vẻ, ít căng thẳng, tạo sự thích thú cho học sinh.

Bạn phải soạn giáo án cụ thể, khung sườn để chuẩn bị kỹ lưỡng cho mỗi tiết đọc thư viện. Hãy chú tâm, đừng làm việc quấy quá, chống chế, đối phó… điều đó sẽ chỉ khiến tiếng nói của bạn mờ nhạt và bị xem như con ghẻ mà thôi.

Sau đây là những gợi ý:

2-3 tiết đầu tiên để giới thiệu về thư viện: tuỳ độ tuổi học sinh khác nhau mà bạn cần phải dùng ngôn ngữ phù hợp để truyền tải các thông tin sau:

  • Thư viện là gì? Bạn cần giải thích ngắn gọn, và cũng giới thiệu cho học sinh biết rằng ngoài thư viện trường, trong xã, phường, thị trấn hoặc khu phố cũng có thể đang tồn tại tủ sách, thư viện. Nếu có danh sách, địa chỉ của những nơi này càng tốt, chứng tỏ bạn là một thủ thư yêu nghề, có quan tâm đến văn hoá đọc.
  • Tại sao nên tới thư viện? Một ý chính phải truyền tải được: tới thư việc để đọc sách, giúp cho việc tăng hiểu biết, giải trí lành mạnh thay vì dùng điện thoại, thư viện cũng là nơi giao lưu của những người ham học, yêu tri thức, môi trường tuyệt vời để kết bạn với những người bạn tốt.
  • Nội quy thư viện: bạn cần loại bỏ những chữ không trong nội quy thư viện mà viết lại theo cách khác. Học sinh, trẻ em nên được khuyến khích, khen ngợi thay vì cấm đoán. Ví dụ: thay vì viết “không được làm ồn” hãy viết “giữ yên lặng”, “không được xé sách, bôi bẩn sách” hãy viết “sách sạch đẹp giúp sử dụng được lâu dài, hữu ích cho mọi người”.
  • Bảng mã màu sách: tham khảo bảng màu của thư viện Room to Read để dán nhãn cho sách nếu thư viện của bạn chưa thực hiện điều đó.
  • Cách chọn sách: hướng dẫn học sinh chọn sách theo bảng mã màu đã giới thiệu để phù hợp với lứa tuổi nói chung.
  • Cách để học sinh biết sách có phù hợp? Hướng dẫn học sinh chọn khoảng 5 cuốn sách và đọc, nếu đọc thấy lỗi nhiều hoặc không hiểu nghĩa là học sinh đã chọn sách vượt quá tầm nhận thức của mình, cần chọn sách ở mã màu của độ tuổi thấp hơn. Nếu học sinh thấy sách quá dễ hiểu, nhàm chán hoặc đã đọc rồi thì hướng dẫn đọc sách cao hơn. Hãy hướng dẫn các em chọn các sách ở đề tài đa dạng, phong phú đề tài khác nhau, không phải chỉ là sách để giải trí, truyện hoặc chỉ sách mang tính phổ biến kiến thức.

Các tiết đọc tiếp theo: có thể tiến hành theo cách phối hợp để đỡ nhàm chán: thủ thư đọc cho học sinh nghe rồi đặt câu hỏi theo kiểu chơi game, cho học sinh đọc theo cặp, đổi vài cho nhau, học sinh đọc theo nhóm, cử ra một bạn đọc cho cả nhóm nghe rồi thảo luận. Ngoài ra, việc mời những thầy cô ham đọc sách trong trường, người bên ngoài (phụ huynh, nhà văn, phát thanh viên, thần tượng giới trẻ…) tới cùng đọc sách, thực hiện kể chuyện/ nói chuyện/ giao lưu (tuỳ độ tuổi học sinh) cũng tạo hứng thú cho học sinh.

Ghi chép, đánh giá sau mỗi tiết đọc

Mục đích của ghi chép là để có thể xem lại và tổng kết, đánh giá, thay đổi cho phù hợp hơn. Việc này là vô cùng quan trọng. Nếu bạn không thực hiện việc này, bạn sớm tự biến bản thân thành một thủ thư cỗ máy vô tri.

Ghi chép là việc rất quan trọng, cần làm thường xuyên, liên tục

Ghi chép không thôi vẫn chưa đủ bởi vì ghi chép không phải để ghi chép mà bạn cần phải rút ra được điều gì sau khi đọc lại ghi chép đó, điều đó mới là mục đích của ghi chép.

Từ những ghi chép kết hợp với số liệu bạn đọc mượn sách, bạn sẽ có những thống kê, báo cáo về hoạt động thư viện, bổ sung vốn tài liệu phù hợp hơn, có những minh chứng, luận cứ để thuyết phục Ban Giám hiệu nhà trường, các nhà tài trợ ủng hộ cho những chương trình, kế hoạch mà bạn muốn thực hiện.

Học hỏi các đơn vị khác

Chúng tôi nhận thấy nhiều bạn rất lười suy nghĩ, nói bạn đừng buồn, nhưng không dùng đến não mà đòi hỏi thu nhập cao là khó, rồi than phiền nhân viên thư viện ở trường học bị xem là con ghẻ… thái độ đó là tiêu cực, cần thay đổi để trở thành thủ thư thân thiện, lan toả tri thức.

Chúng tôi quan sát thấy nhiều thủ thư thường lên mạng xã hội tự giới thiệu mình là người mới được phân công về thư viện rồi hỏi các đồng nghiệp khác có “bài mẫu”, “giáo án mẫu” về tiết đọc thư viện, về các thứ khác liên quan thư viện để mà lấy về xào bài, mang tính đối phó, chữa cháy,… hoàn toàn không có một ý niệm gì về việc cần phải nỗ lực xoay xở để làm tốt việc của mình.

Tranh thủ mọi cơ hội để học hỏi từ đồng nghiệp

Đầu tiên là cần trang bị kỹ năng sử dụng các công cụ tìm kiếm trên mạng như Bing, Google. Khi tìm hiểu, làm việc phải sử dụng máy tính hoặc ít nhất là máy tính bảng, ngồi tập trung vào mới có kết quả. Việc sử dụng điện thoại lướt lướt để học cái gì đó là hoàn toàn vô nghĩa, nó chỉ thoả mãn cơn nghiện lướt mạng của bạn, không mang đến một kết quả khả dĩ nào.

Vậy thì nên học hỏi các đồng nghiệp đơn vị bạn như thế nào?

Chúng tôi hiểu cảm giác mông lung không biết bắt đầu từ đâu của những thủ thư dạng “bắt cóc bỏ dĩa” bởi vì họ hoàn toàn chẳng có một ý niệm nào về thư viện. Điều đáng ngại nhất đó là suốt từ nhỏ tới lúc ấy họ chưa từng bước vào một thư viện nào, trải qua thời học sinh, sinh viên hoàn toàn mù tịt. Có lẽ họ càng cảm thấy xa lạ hơn khi chúng tôi nói rằng họ cũng đang là “nhà giáo dục”.

Thay vì đặt câu hỏi: các bạn có tài liệu ABCD gửi cho tôi với? Bạn hãy hỏi: tôi đang (vấn đề của bạn ở đây) mà chưa biết bắt đầu tư đâu, các bạn hãy chỉ cho tôi cuốn sách, địa chỉ web tốt để tìm hiểu vấn đề XYZ? Khi tìm hiểu được một vấn đề, bạn có thể đưa lên và đặt câu hỏi để mọi người bổ sung thêm góc nhìn. Làm được cái gì hay, bạn cũng có thể khoe (giờ hay được mạng dùng là flex ấy) để nhận được các phản hồi, không phải chỉ khen đâu, mà ném đá cũng ác liệt lắm. Không vấn đề gì, học hỏi, tiến bộ là điều quan trọng cho mỗi người trong thời đại học tập suốt đời này.

Một điều quan trọng nữa chúng tôi khuyến khích các bạn là hãy mạnh dạn làm một số việc mà bạn cho rằng tốt cho thư viện, cho bạn đọc của bạn. Đừng thụ động ngồi đó đợi chờ hoặc “không nghĩ ra gì để làm” (sao không nghĩ ra, do không chịu quan sát, học hỏi). Khi bạn làm gì đó chắc chắn sẽ có cái phù hợp, có cái chưa phù hợp nhưng bạn làm với một cái tâm tốt, làm vì lợi ích cộng đồng không mưu cầu ích kỷ cá nhân, mọi chuyện sẽ an bài, chắc luôn. Khi lợi ích cộng đồng, bạn cũng sẽ được đền đáp xứng đáng gập nhiều lần so với bạn chỉ tìm lợi ích cá nhân.

Nguồn tham khảo

Phân loại màu theo trình độ đọc – Nguồn ảnh: http://sgddt.dongnai.gov.vn
Kệ trưng bày sách theo mã màu. Ảnh: http://sgddt.dongnai.gov.vn
Ảnh chụp màn hình từ http://thnguyenhue.pgdtpthainguyen.edu.vn

Viết một bình luận